Chính sách đối ngoại Otto_von_Bismarck

Chân dung Otto von Bismarck. N. Repik

Với ý định đưa nước Đức của mình trở thành một đế quốc hùng mạnh nhất châu Âu[15], Bismarck rất nỗ lực để duy trì hòa bình ở châu Âu vì ông không muốn sức mạnh của đế quốc Đức còn non trẻ bị đe dọa. Ông buộc phải dàn hòa với chủ nghĩa phục thù của những người muốn trả hận cho thất bại trong chiến tranh Pháp-Phổ đang nổi lên ở Pháp. Bismarck thi hành một chính sách ngoại giao với mục tiêu cô lập nước Pháp trong khi giữ quan hệ hữu hảo với các quốc gia khác ở châu Âu. Để tránh chọc giận nước Anh, Bismarck đầu tiên phủ nhận việc biến Đức trở thành một đế quốc thực dân và cam kết không gia tăng lực lượng hải quân. Tiếp tục đường lối đó, năm 1872, ông đề nghị một hiệp ước thân thiện ba bên với Đế quốc Áo-HungNga.

Năm 1875, Bismarck tìm cách hăm dọa Pháp bằng việc cấm không bán yên ngựa sản xuất tại Đức cho kỵ binh Pháp và sắp xếp để một tờ báo do ông kiểm soát giật cái tít "Phải chăng chiến tranh đã ở trước mắt?". Tuy nhiên, sau đó Bismarck phải xuống thang khi cả Nga và Anh đều tuyên bố họ sẽ ủng hộ Pháp.

Bismarck còn giữ quan hệ tốt với Ý, dù cá nhân ông không thích đất nước và con người Ý.[30] Có thể coi ông có đóng góp nhất định trong việc thống nhất nước Ý. Chiến thắng của quân đội nhà nước Phổ do Bismarck đứng đầu trong cuộc chiến tranh Áo Phổ đã giúp Ý sáp nhập Venetia, vốn là một nước chư hầu của Áo suốt từ năm 1815. Còn chiến thắng trong chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 đã khiến hoàng đế Pháp Napoléon III phải rút quân đội Pháp, được cử để bảo vệ giáo hoàng, khỏi kinh thành Roma. Nếu không có hai sự kiện này, việc thống nhất nước Ý đã không thể hoàn tất.

Sau chiến thắng của Đế quốc Nga trước Đế quốc Ottoman trong chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1877–1878), Bismarck đã hỗ trợ việc đàm phán dẫn tới cuộc hội đàm Berlin. Kết quả là Hiệp ước Berlin 1878, điều chỉnh lại Hiệp ước San Stefano trước đó, đã được ký kết, giảm bớt diện tích của quốc gia mới giành độc lập Bulgaria (lúc đó là một nước thân Nga). Bismarck và những nhà lãnh đạo châu Âu khác không muốn nước Nga mở rộng ảnh hưởng và cố gắng bảo vệ Đế quốc Ottoman. Kết quả là quan hệ Nga-Đức xấu đi, kéo theo hiệp ước ba bên trước đó giữa Nga, Đức và Áo-Hung chấm dứt.

Bismarck bèn thương lượng một hiệp ước liên minh với Áo-Hung, trong đó mỗi nước đảm bảo cho nước kia trong trường hợp bị Nga tấn công. Hiệp ước đó trở thành hiệp ước ba bên vào năm 1882 với sự tham gia của Ý, và mối liên minh ba bên Nga-Áo-Phổ, được duy trì dưới nhiều hình thức suốt từ năm 1813, chính thức chấm dứt kể từ đây.

Với những vấn đề bên ngoài châu Âu, lúc đầu, Bismarck phản đối ý tưởng tìm kiếm thêm thuộc địa với lập luận rằng gánh nặng giành giật và giữ thuộc địa còn lớn hơn mối lợi tiềm năng khai thác được từ đó. Nhưng vào cuối những năm 1870, ý kiến dư luận ở Đức ngày càng ủng hộ việc tìm kiếm thuộc địa tại nước ngoài và Bismarck có thể còn có động cơ khơi dậy mối hiềm khích Anh-Đức về vấn đề này để hạ uy tín của hoàng thái tử thân Anh đang sắp lên ngôi. Trong những năm 1880, Đức và các nước đế quốc châu Âu khác xâu xé châu Phi. Nước Đức giành được Togoland (giờ là một phần của GhanaTogo), Cameroon, Đông Phi thuộc Đức (giờ là Rwanda, BurundiTanzania), và Tây Nam Phi thuộc Đức (giờ là Namibia).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Otto_von_Bismarck http://www.amazon.com/Bismarck-German-Empire-Erich... http://www.amazon.com/Handbook-Imperial-Germany-Ja... http://books.google.com/books?id=IkgKAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=N-omE8jc9UcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=akpzLZLxvP4C&pg=P... http://books.google.com/books?id=dEgKAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=gb_QDH2ACAgC&pg=P... http://books.google.com/books?id=iz8bAAAAMAAJ&pg=P... http://www.kbismarck.com/ottovbis.html http://www.questia.com/PM.qst?a=o&d=7561027